Các mẹ mang thai chắc chắn sẽ không dưới một lần được nghe nhiều người rỉ tai về công dụng tuyệt vời của trứng ngỗng.
Theo quan niệm dân gian, mẹ bầu thường xuyên ăn trứng ngỗng sẽ khiến con thông minh, nhạy bén, phát triển não bộ vượt trội. Lý do là bởi hàm lượng dinh dưỡng trong trứng ngỗng dồi dào và phong phú hơn hẳn các loại thực phẩm khác. Vì những lời khuyên nhan nhản này, rất nhiều mẹ bầu dù “ngán đến tận cổ” nhưng vẫn cố gắng chăm chỉ ăn trứng ngỗng với hy vọng con sẽ thông minh hơn bạn bè cùng trang lứa. Nhưng sự thật liệu có đúng như vậy hay không? Trứng ngỗng có thần thánh đến mức độ như thế? Các mẹ bầu hãy cùng tìm hiểu câu trả lời qua những thông tin cụ thể dưới đây nhé!
Bên cạnh trứng gà, trứng vịt thì trứng ngỗng cũng là một trong những loại trứng gia cầm được nhiều người sử dụng trong thực đơn ăn uống cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, việc sử dụng trứng ngỗng có phần kém phổ biến hơn do ngỗng chủ yếu nuôi để lấy thịt, nhưng đây lại là “mặt hàng hot” với các bà bầu bởi lời đồn thổi.
Về giá trị dinh dưỡng, trứng ngỗng cung cấp hàm lượng 71 mg canxi, 3,2 mg sắt, 0,3 mg B2, 0,15 vitamin B1, 13 g protein, 360 mgc vitamin A, 14,2 g lipid,… Xét theo khía cạnh dinh dưỡng, trứng ngỗng cũng cung cấp đầy đủ các loại khoáng chất và vitamin hoàn toàn tốt cho sức khỏe thai phụ cũng như thai nhi. Thế nhưng lượng dưỡng chất này vẫn chưa đủ để có thể 100% giúp con trong bụng thông minh, khỏe mạnh như thần đồng theo quan niệm của dân gian. So sánh hàm lượng dinh dưỡng với trứng gà, 55 mg canxi, 14,8 gr protein, 700 mgc vitamin A, 11,6 g lipid, 1,29 mgc vitamin B12,… thì giá trị dinh dưỡng của trứng ngỗng tuy đa dạng nhưng vẫn không bằng với loại trứng quen thuộc với chúng ta hơn đó là trứng gà.
Cụ thể trong trứng ngỗng có hàm lượng cholesterol và lipid cao hơn hẳn còn những chất còn lại thì không bằng. Tuy nhiên, cholesterol và lipid lại nằm trong danh sách các khoáng chất không cần thiết và có phần không tốt cho sức khỏe của mẹ bầu. Bên cạnh đó, các thành phần có lợi cho mẹ bầu và thai nhi như vitamin A, protein thì trứng ngỗng lại kém xa so với trứng gà. Vì thế, không quá khó khăn để có thể khẳng định rằng, ăn trứng ngỗng không hề tốt hơn, bổ hơn, hay sẽ nhiều dinh dưỡng hơn so với trứng gà.
Trứng ngỗng cũng sẽ không có tác dụng thần kỳ như giúp con thông minh vượt trội, nhạy bén, sáng tạo khỏe mạnh như nhiều người đồn thổi. Không những thế, mùi vị của trứng ngỗng cũng được nhận xét là nhạt nhẽo, khó ăn hơn nhiều so với trứng gà. Hơn nữa, vì giá cả lại khá đắt nên rất khó tìm mua. Quan trọng hơn, xét theo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, trứng ngỗng cũng sẽ không đảm bảo độ sạch sẽ được như trứng gà vì trứng gà đa số được đẻ ở nơi khô ráo, không có nhiều vi khuẩn và ký sinh trùng.
Giải thích cho quan niệm dân gian ăn trứng ngỗng sẽ giúp con thông minh sáng sủa, nhiều người cho rằng vì thời xưa đa số mọi người chưa có điều kiện mà trứng ngỗng lại có trọng lượng lớn hơn gấp 3, gấp 4 trứng gà nên các gia đình thường nghĩ ăn chúng sẽ bổ dưỡng hơn hẳn và tốt cho việc tẩm bổ mẹ bầu. Ngày nay, khoa học đã chứng minh hàm lượng dinh dưỡng của trứng ngỗng cũng không phải “ngọc báu” như lời đồn thổi nên chị em không nhất thiết bắt buộc phải tìm mua để bồi bổ bằng mọi giá.
Nếu có sẵn trứng ngỗng, thai phụ cũng có thể ăn khoảng 1 lần/tuần nhằm cung cấp protein và các loại khoáng chất khác cho thai nhi. Để con khỏe mạnh phát triển toàn diện trong suốt thai kỳ, mẹ bầu nên thiết lập một chế độ dinh dưỡng khoa học, đa dạng thực phẩm theo lời khuyên của bác sĩ. Cần tránh việc bà bầu chỉ thường xuyên ăn một món vì nghe đồn công dụng khó tin của nó. Nếu đứa trẻ không nhận đủ dưỡng chất sẽ chào đời thấp bé, nhẹ cân, phát triển kém.
Theo Oxii
0 Nhận xét